Không dùng thang máy Trung Quốc cho cầu Trần Thị Lý
Chiều 5/6, ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng cho hay, Chủ tịch UBND TP vừa có Công văn số 3766 thống nhất đề xuất của Sở này về việc đầu tư thang máy cho trụ tháp của công trình cầu Trần Thị Lý (mới) bắc qua sông Hàn (thay thế cầu cũ xuống cấp nghiêm trọng nên đã tháo dỡ).
Theo đó, thang máy phải đảm bảo vận chuyển tải trọng khoảng 600kg, độ bền cao, nguồn gốc xuất xứ từ châu Âu, Mỹ hoặc Nhật Bản. Sở GTVT và BQL dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông công chính TP được giao thông báo rộng rãi mời các nhà thầu trong nước và quốc tế có đủ năng lực, kinh nghiệm tham gia đấu thầu cung cấp thiết bị này.
Không yên tâm khi dùng thang máy Trung Quốc
Trước đó, tại cuộc họp Hội đồng Kiến trúc – Quy hoạch TP hôm 16/5 (Infonet đã đưa tin), Sở GTVT Đà Nẵng và đơn vị tư vấn đã đưa ra phương án sử dụng thang máy Trung Quốc có sức chở khoảng 300kg (gồm cả người và thiết bị) với giá thành khoảng 3,8 tỉ đồng.
Tuy nhiên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đã bác bỏ đề nghị này vì “cảm thấy không yên tâm”. Đồng thời ông yêu cầu tổ chức mời thầu công khai để chọn đơn vị cung cấp thiết bị này.
Theo ông Đặng Việt Dũng, lúc đầu Sở GTVT Đà Nẵng đề nghị chọn thang máy Trung Quốc do kinh phí đang gặp khó khăn chung. Tuy nhiên ông thừa nhận: “Mặc dù cũng sản xuất theo tiêu chuẩn châu Âu nhưng thang máy Trung Quốc bỏ qua một số tiêu chuẩn để hạ giá thành, nên chất lượng và độ bền không tốt bằng thang máy châu Âu chính hiệu. Do vậy lãnh đạo TP yêu cầu không sử dụng thang máy Trung Quốc!”.
Trụ tháp nghiêng của cầu Trần Thị Lý hiện đã thi công lên đến độ cao 80m – Ảnh: HC
Tạm dừng hạng mục sàn vọng cảnh
Cầu Trần Thị Lý (mới) do Công ty WSP Finland (Phần Lan) thiết kế, khởi công xây dựng tháng 4/2010 và dự kiến hoàn thành vào dịp 29/3/2013, kỷ niệm 38 năm giải phóng Đà Nẵng. Điểm nhấn độc đáo của cây cầu này là giữa cầu có tháp trụ hình chữ Y ngược cao 149m so với mặt sông, nghiêng 12 0 về phía sau. Bên trong tháp trụ có thang máy đưa du khách lên sàn vọng cảnh rộng 40m 2 trên đỉnh tháp ngắm toàn cảnh TP. Tổng vốn đầu tư cho công trình khoảng 1.500 tỉ đồng.
Từng tham gia xây dựng nhiều cây cầu dây văng lớn ở Việt Nam như Mỹ Thuận, Cần Thơ, Rạch Miễu…, Tổng Giám đốc Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 1 (đơn vị trúng thầu thi công cầu Trần Thị Lý) Cấn Hồng Lai nhận xét, tuy cũng là cầu dây văng song cầu Trần Thị Lý là dạng cầu mới mẻ, trên thế giới không có nhiều và ở Việt Nam là cây cầu đầu tiên.
“Với thiết kế dây văng 1 trụ nghiêng, trục di động (ngồi trên gối), có thể “nghiêng ngửa” trong biên độ cho phép, dạng hình cánh buồm… thì đây là cây cầu hoàn toàn “đặc sản” của Đà Nẵng. Dự án này tương đối mới mẻ, công nghệ trên thế giới không có nhiều nên là thách thức không nhỏ đối với năng lực của đơn vị thi công!” – ông Lai nói.
Ông Đặng Việt Dũng cho hay, đến nay trụ tháp nghiêng đã thi công lên tới độ cao khoảng 80m. Tuy nhiên, theo quyết định mới nhất của lãnh đạo Đà Nẵng thì hạng mục sàn vọng cảnh đã tạm dừng, do hiện có nhiều chỗ có thể ngắm toàn cảnh TP. “Đặc biệt với trình độ, công nghệ quản lý của chúng ta hiện nay thì không dễ đảm bảo an toàn tuyệt đối khi đưa du khách lên cao gần 150m. Do vậy, trước mắt hệ thống thang máy sắp lắp đặt sẽ phục vụ duy tu, bảo dưỡng cầu, sau này có điều kiện mới tính đến sàn vọng cảnh. Hiện chúng tôi đang làm hồ sơ mời thầu, sẽ chọn loại tốt nhất và chắc là chọn thang máy châu Âu luôn cho hoành tráng!” – ông Dũng nói.
|